Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sapa là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng.
Du khách đến với Sapa không chỉ bị thu hút bởi không khí và cảnh sắc hùng vĩ của núi Hàm Rồng, bản Cát Cát, thác tình yêu, đỉnh Fansipan, … mà còn say lòng với những đặc sản rất riêng của vùng đất này.
1. Thắng cố
Thắng cố - một đặc sản của người Mông thường có ở các bản làng và các phiên chợ của người Mông. Thắng cố Sapa được chế biến từ nội tạng của ngựa (tim, gan, lòng, tiết ngựa, …) và 12 thứ gia vị (thảo quả, quế chi, sả, gừng, … và cây thắng cố là gia vị thứ 12). Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa thả vào.
Thắng cố thường ăn kèm với các loại rau nhúng cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu, … Ăn thắng cố phải uống cùng rượu ngô, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa của núi rừng. Khi đồ ăn thức uống hòa quyện vào nhau sẽ tạo ra một cảm giác dễ chịu và khó quên
2. Đào Sapa
Vị ngòn ngọt, chua chua, thanh chát và mùi thơm không lẫn vào đâu được là hương vị độc đáo của quả đào Sapa chính hiệu. Quả đào Sapa bao phủ một lớp lông mỏng màu cẩm thạch, pha lẫn những vết màu huyết dụ lấm chấm đen. Đào sapa được bán rải rác bên vệ đường thị trấn, nhưng chủ yếu là đưa tới chợ sapa bằng sọt, rọ trên vai người Mông, trên xe thồ được xếp hình tháp, nằm phủ kín các vỉa hè phố chợ.
Một rọ đào Sapa chắc chắn sẽ là món quà quý của đất trời Tây Bắc dành tặng cho bạn bè và người thân.
3. Đồ nướng
Trong khí trời se lạnh nơi đây, bạn chắc chắn đừng quên thưởng thức đồ nướng, thơm ngon và đa dạng như: thịt lợn bản xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút, bò cuộn cải mèo xiên hay bò cuộn nấm kim châm xiên que,… Cải mèo là loại rau đặc sản ở đây, vị rau cải đắng lạ đọng lại trên đầu lưỡi sẽ khiến du khách thích thú.
Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của khách du lịch Sapa trong những ngày du lịch dài ngày tại đây thì đồ nướng Sapa đang trở thành một “thương hiệu” rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác.
Nhiều khách du lịch nói rằng: Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa
4. Thịt trâu gác bếp
Khác với những nơi khác, thịt trâu gác bếp của người Sapa được làm hoàn toàn bằng trâu bản, đem tẩm ướp những loại gia vị bí truyền và sấy khô bằng sức nóng và hơi khói của bếp củi từ ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy mà thịt trâu gác bếp Sapa có vị đậm đà rất đặc trưng.Thịt được bày bán khá nhiều tại Sa Pa với giá khoảng 800.000 - 1.000.000đ/ kg tùy chất lượng của thịt trâu khi sấy.
Thịt trâu khô nướng với than hoa hoặc có thể nướng bằng lò vi sóng khi ăn xe nhỏ chấm tương ớt và uống rượu táo mèo hoặc Shan Lùng khiến mọi giác quan của bạn như bùng cháy giữa cái se lạnh của núi rừng Tây Bắc.
Thịt trâu gác bếp được bày bán khá nhiều tại Sapa nhưng để mua được loại thịt trâu chất lượng của người H’Mông, bạn nên mua tại bản dân tộc trong lúc tham quan bản.
5. Lợn cắp nách
Giống lợn Mường ở Sapa sở dĩ có tên goi như vậy là vì những con lợn này rất nhỏ, trưởng thành cũng chỉ nặng 4 – 5 kg. người bán kẻ mua chỉ cần “cắp nách” mang đi là xong.
Lợn cắp nách là những chú lợn được thả rông trên núi đồi. Chúng tự dũi đất kiếm ăn trên những sườn dốc dựng đứng và quanh năm suốt tháng gồng mình chống chọi với cái rét làm cho giống lợn này săn quắt lại. Một chú “lợn cắp nách” trưởng thành cũng chỉ nặng dưới chục ký.
Khi chế biến thịt lợn người ta thường làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì ròn tan rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm.
Thưởng thức đặc sản Sapa trong tiết trời se lạnh mà không hít hà ít rượu của Sapa là thiếu sót lớn. Và Sapa có những loại rượu nào được xem là những danh tửu bậc nhất, cách thức thực hiện ra sao, các bạn nhớ theo dõi bài viết tiếp theo của Vietnam Expedition Travel nhé!